Có nên bỏ qua điểm tham quan quá chất: Đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Gành Dầu?

5/5 - (1 bình chọn)

Thông thường đền thờ Nguyễn Trung Trực ít được đưa vào lịch trình tour của các công ty du lịch. Nhưng không vì thế mà giảm đi sức hấp dẫn của địa điểm này, đây là một điểm du lịch tâm linh đáng để bạn viếng thăm.

Ủa tại sao ít nằm trong lịch trình du lịch? Vậy đình ông Nguyễn nằm ở đâu?

Lý do ở đây là đền nằm chót vớt ở Bắc Đảo Phú Quốc, thuộc mũi Gành Dầu, sát ngay gần biên giới Camphuchia, cách khá xa trung tâm, và ở khu vực này, ngoài tập đoàn Vin group thì ở đây tương đối hoang sơ, nhiều rừng, chưa khai thác, nên ít có tour lên đến tận Gành Dầu.

ao sen bên trong đền ông Nguyễn
ao sen bên trong đền ông Nguyễn

Chỉ khi bạn tham gia tour đến làng chài Rạch Vẹm ngắm sao biển, thì tour mới ghé nhẹ qua đền thờ ông Nguyễn để bạn thắp nhang.

Nếu bạn đi tự túc có thểm xem qua địa điểm trên google map này.

Làm cách nào đến viếng thăm được nơi này?

Đường đi dễ lắm bạn, mình khuyên rằng, vì ở Bắc Đảo hơi xa trung tâm và ít có địa điểm tham quan, nên tốt nhất bạn gôm các điểm lại và đi luôn tour tự túc khám phá Bắc Đảo/.

Theo option 2 của ngày thứ nhất trong lịch trình 3N2Đ mình đã chia sẻ

Link đường đi google map: https://bit.ly/vivuphuquoc-BacDao-land

Nếu không đi theo tour này, bạn cứ từ Dương Đông, chạy thẳng lên Bắc Đảo, chạy qua Vin Wonder tầm 7km đến khu dân cư, hỏi người dân địa phương, họ sẽ chỉ cho bạn ngay, hoặc google map mình để ở trên.

Địa điểm tham quan liên quan khi đến thăm đền ông Nguyễn ở Gành Dầu
Làng chài Rạch Vẹm Phú Quốc
Bãi biển Gành Dầu
Khu Phức hợp du lịch Vingroup

Hành trang cần thiết khi đến đây

Đường Phú Quốc mưa nắng thất thường, nên khi đi bạn nên chuẩn bị thêm các vật dụng sau nhé:

  • 🗳 Ví tiền (cực kỳ quan trọng.. haha)
  • 🥋 Áo mưa, dù, nón, kính râm, găng tay chống nắng, áo khoác.
  • 🍾Quan trọng hơn hết là 1 bình nước (không thì trên đường có bán nước mía – trời nóng mà dứt 1 ly nước mía thì ngon thôi rồi)

Kiến trúc ở đình thần Nguyễn Trung Trực?

Cổng vào đền thờ.

Mình thấy lối kiến trúc ở đền cũng là mái ngói cong vút, có song long tranh châu, làm liên tưởng đến kiến trúc thời Lý – Trần ở chùa Hộ Quốc Phú Quốc.

cổng vào đền ông Nguyễn Gành Dầu
Cổng vào đền thờ ông Nguyễn Trung Trực Gành Dầu

Cổng chính là cổng tam quan với hai màu vàng đỏ nổi bật. Trước cổng có hai câu đối được danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt đề thơ tặng cho chiến công hiển hách của Nguyễn Trung Trực, khi ông đã lãnh đạo dân quân đánh cháy tàu pháp trên sông Nhật Tảo:

Hỏa Hồng Nhật Tảo Oanh Thiên Địa
Kiếm Bạt Kiên Giang Khấp Quỷ Thần

Tượng ông Nguyễn

Từ ngoài xa bạn đã thấy bức tượng của ông sừng sững hiên ngang trên bục đá với lư hương thờ phía trước.

Tượng được đặt trong khuông viên tương đối rộng với 2 hồ sen được ngay phía trước đường vào cổng.

Mình được biết đây là bức tượng dựa theo chiều cao, kích thước thật của ông khi còn sống. Bức tượng khắc họa sống động người anh hùng áo vải, khăn vấn, tay cầm kiếm đã lãnh đạo quân dân chiến đấu với thực dân Pháp khi xưa. Nhưng cuối cùng ông vẫn bị xử tử lúc 30 tuổi.

Phía dưới bục có ghi: Anh Hùng Dân Tộc Nguyễn Trung Trực (1838 – 1868)

Sảnh Chính đền thờ Nguyễn Trung Trực

Phía sau tượng là bậc tam cấp, chia làm 2 lối lên để vào bên trong nơi tôn nghiêm nhất của khu đền.

Bên trong tương đối rộng rãi. Phía chính điện là di ảnh của ông Nguyễn Trung Trực, hai bên là 2 hàng binh khí hạng nặng thời xưa cùng “song Hạt đạp Quy” làm cho không khí nơi đây trang nghiêm, nhưng rất gần gủi với người dân.

Cách bài biện rất chi là giản dị, ngoài thờ ông Nguyễn ra, nơi đây còn thờ các vị anh hùng khác: phó lãnh binh Lâm Quang Ky, Phó cơ Nguyễn Hầu Điều,… cùng các chiến sĩ khác….

Các đền thờ ông Nguyễn Trung Trực ở nơi khác?

Hiện tại, theo mình được biết người anh hùng Nguyễn Trung Trực rất được nhân dân miền Nam yêu quý, nhất là ở khu vực Rạch Giá – Kiên Giang. Ngoài đền thờ ở Gành Dầu, còn có Đền Thờ chính ở Rạch Giá, Cần Thơ, An Giang,..

Ở Rạch Giá, tại đền chính của ông. Cứ vào ngày 11, 12 tháng 9 âm lịch hàng năm, người người từ khắp nơi ở miền Tây, tuốt tận sâu trong nông thôn họ cũng bắt xe ra viếng, ra thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực, đây được xem là lễ hội đình Nguyễn Trung Trực lớn ở Rạch Giá.

Còn ở Phú Quốc, có thêm 1 đền thờ phụ nữa ở Cửa Cạn (nhập vào tour Bắc Đảo luôn là đẹp đó bạn) – google map

Tìm hiểu một chút lịch sử về người anh hùng Nguyễn Trung Trực?

Thời niên thiếu:

Nguyên quán của ông thực chất ở Bình Định, gia đình làm nghề đánh cá để mưu sinh. Sau chiến tranh Tây Sơn nổ ra, gia đình chạy giặc vào Nam định cư. Ông sinh ra và lớn lên tại Tân An thuộc tỉnh Long An vào năm 1938.

Từ nhỏ ông đã được học võ và giành được quán quân võ đài tại Cai Tài – Tân An. Lúc này, võ sinh các phái mến tài, nên đề tôn ông làm thủ lĩnh dân quân tham gia vào phong trào chống Pháp.

Kháng Pháp

Vào năm 1858 (năm 20 tuổi), khi Pháp tấn công thành Gia Định. Lúc này Tân An nằm dưới quyền quản lý lính đồn điền của Nguyễn Tri Phương, ông cùng với dân quân xin đầu quân để canh giữ Đại Đồn Chí Hòa.

Ở đây ông không được trọng dụng, nên lui về Tân An. Đến tháng 3 năm 1860, ông đầu quân dưới trướng của tướng Trương Định và được phong làm Quyền Sung Quản Binh Đạo.

Sau này, ông chỉ huy đốt cháy tàu chiến L’Espérance của quân Pháp. Trong cuộc đời anh hùng kháng pháp của ông, có 2 chiến công nổi bật, được danh sĩ Huỳnh Mãn Đạt ngợi khen bằng 2 câu thơ:

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần
Tạm dịch:
Lửa bùng Nhật Tảo râm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần

đền thờ ông Nguyễn Trung Trực
Nhìn trực diện từ cổng vào đền thờ

Hỏa hồng nhật tảo:

Đây chính là trận chiến đốt tàu chiến L’Espérance của quân Pháp. Ông tổ chức đám cưới giả, phục kích và diệt tàu địch.

Kiếm bạt Kiên Giang:

Sau khi đốt tàu địch, ông cùng dân quân chiến đấu trên các mặt trận Gia Định, Biên Hòa. Khi khế ước Nhâm Tuất được ký 1862, 3 tỉnh miền Đông lọt vào tay thực dân Pháp, Lúc này ông không những không rời đi mà còn cùng với tướng Trương Định phối hợp đánh Pháp.

Năm 1867 ông được triều đình tấn phong Hà Tiên Thành Thủ Úy.

1868 ông lãnh quân đánh thẳng vào đồn Kiên Giang, gây tổn thất không nhỏ cho quân Pháp. Tướng George Diirrwell của Pháp gọi đây là sự kiện bi thảm.

toàn cảnh đền ông nguyễn trung trực ở gành dầu
toàn cảnh đền ông nguyễn trung trực ở gành dầu

Bị bắt và xử tử

Sau chiến thắng vang dội, thực dân Pháp động binh lính, ráo riết truy bắt ông, thảm sát nhiều sinh mạng người dân để trả thù cho trận thua ở đồn Kiên Giang.

Lúc này lương thực không còn, thuốc súng cũng hết, mà thực dân Pháp đang dùng tính mạng người dân để ép ông ra hàng. Trước tình thế vậy, để bảo vệ người dân, ông đành để cho thực dân Pháp bắt.

Vì thấy được sự tin tưởng của người dân dành cho ông. Thực dân Pháp muốn thuyết ông quy hàng theo Pháp để có phú quý, quyền cao chức trọng. Nhưng ông đã khẳng khái: “ tôi muốn làm một chức thôi, chức gì mà có thể chặt hết đầu của bọn Tây xâm lược..”

Chúng đưa ông về Gia Định giam giữ và lấy khẩu cung, đến ngày 27 tháng 10 năm 1868, nhà cầm quyền Pháp đã xử tử ông tại pháp trường Rạch Giá.

Tương truyền trước khi bị hành quyết Nguyễn Trung Trực đã ngâm một bài thơ:

Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,
Yêu gian đàm khí hữu long tuyền,
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa.
Bảo hận thâm cừu bất đái thiên.
Thi sĩ Đông Hồ dịch:
Theo việc binh nhung thuở trẻ trai,
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.
Anh hùng gặp phải hồi không đất,
Thù hận chang chang chẳng đội trời.

Nhớ ơn và lễ hội truyền thống tại đền thờ Nguyễn Trung Trực

Để nhớ ơn người anh hùng Nguyễn Trung Trực, người dân đã lập đền thờ ở nhiều nơi để đời đời cám ơn công lao của ông, cũng như làm gương noi theo cho các thế hệ con cháu người Việt sau này.

Hàng năng vào ngày 11, 12 tháng 9 âm lịch, người dân ở các tỉnh miền tây, đồng bào khmer xem ngày giỗ của ông là ngày lễ hội truyền thống. Họ nô nức kéo về Rạch Giá, đến nơi ông bị hành quyết làm lễ cảm tạ, sau đó trẩy hội nhằm gắn bó tình đồng bào dân tộc.

Đây là một lễ lớn hàng năm ở Kiên Giang, nếu có dịp về Rạch Giá vào thời gian này, bạn sẽ thấy được sự nhộn nhịp nhưng không kém phần trang nghiêm.

Để tìm hiểu kỹ hơn về người anh hùng Nguyễn Trung Trực bạn có thể tham khảo tại đây

Lời kết.

Mỗi địa danh, mỗi nơi ta đến đều có một câu chuyện lịch sử đằng sau, biết để cảm nhận sự hào hùng của dân tộc, hiểu để thêm yêu vùng đất đó. Đền ông Nguyễn Trung Trực ở Gành Dầu là sự nhớ ơn của con cháu với tổ tiên, nhắc nhở người dân, dù ở đâu cũng luôn phải “uống nước nhớ nguồn.”

Cám ơn bạn đã dành thời gian. Hy vọng thông tin hữu ích với bạn, chúc bạn có chuyến tham quan Phú Quốc vui vẻ.

Người viết: ThaiVu

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments