Hello, hello các bạn, hôm nay chúng ta cùng đến tham quan Nhà Tù Phú Quốc nào.
Ăn sáng chưa ta: Chưa ăn thì quẹo vô đây làm một tô bánh canh cá thu rồi lên đường nghen.
Chuẩn bị đồ nghề để đi tham quan thôi:
- 🥋 Áo khoát dài tay
- 🌂 Một cây dù (nếu được)
- 🕶 Mắt kính râm
- 🍶 Một bình nước (hoặc có thể mua nước dọc đường)
- 📱 Một chiếc điện thoại chụp ảnh
- 📸 Một chiếc camera hành trình (nếu bạn quay clip)
Okay đủ đồ rồi thì lên xe thẳng tiếng thôi nào.
À mà quên, nếu đã đi nhà tù Phú Quốc thì bạn cũng nên kết hợp với các địa điểm tham quan gần đó luôn nha:
Chùa Hộ Quốc Phú Quốc
Cáp treo Hòn Thơm Phú Quốc
Dinh Cậu Phú Quốc
Câu hỏi quen thuộc: Nhà tù Phú Quốc nằm ở đâu vậy?
Nhà tù Phú Quốc còn có tên gọi khác là Nhà tù Cây Dừa, vì nó được xây dựng ở làng Cây Dừa ở thị trấn An Thới – nằm ở phía Nam đảo Phú Quốc. Sau này được xếp vào di tích lịch sử, một trong những điểm tham quan nổi tiếng khi đến Phú Quốc.
Nếu đi từ Dương Đông (đứng tại chợ đêm Phú Quốc nha – cho nó dễ), để đến được đây bạn sẽ có 2 cung đường đi:
Lịch trình 1:
Quẹo và chạy suốt đường 30 tháng 4 luôn – đề suất theo đường này – thuận tiện cho lịch trình landtour của bạn.
Chợ Đêm – Suối Tranh Phú Quốc – Làng Chài Hàm Ninh – Chùa Hộ Quốc – Nhà Tù Phú Quốc – Bãi Sao Phú Quốc – Cáp Treo Hòn Thơm (mình có tạo sẵn 1 cái lịch trình đường đi cho bạn ở đây luôn nè dùng link google map)
Lịch Trình 2:
Đi theo cung đường: (chạy thẳng đường Trần Hưng Đạo luôn). Đường này ít khu tham quan hơn. Được cái các khu nhà, dự án đẹp, sang trọng tập trung ở đây.
Chợ Đêm – Bãi Trường Phú Quốc – Ngọc Trai Ngọc Hiền – Nhà Tù Phú Quốc (link google map) – khuyến khích kết hợp với khám phá tour đảo Phú Quốc
Do đâu mà hình thành nhà tù Phú Quốc này?
Nhà tù phú quốc trước năm 1975 đã được hình thành, được xây dựng từ thời Pháp thuộc, sau này thì về dưới quyền của chính quyền Ngụy. Sau này nội chiến Việt Nam leo thang, nhằm giam cầm các chiến sĩ cách mạng, năm 1966, trại giam Câu Dừa được xây dựng tại Phú Quốc này.
Trại giam có 12 khu, chia làm 4 phân khu với 400 nhà giam, cùng với rất nhiều đồn lũy, trạm gác xung quanh, nhằm không cho các bộ chiến sĩ trốn chạy. Các bạn có thêm tham khảo thêm tại Wikipedia nha (chứ nói nhiều quá – dài – buồn ngủ lắm à. hihi)
Thời gian tham quan tại nhà tù Phú Quốc.
Nhà tù Phú Quốc mở cửa từ 8h đến 11h30 và từ 1h30 đến 17h. Vé vào cổng nhà tù là miễn phí luôn nha. “Vô tù thì phỉ miễn phí chứ hỹ.. haha – giỡn thôi nha”
Phía bên phải có chổ gửi xe, gửi thoải mái, miễn phí luôn à.
Lưu ý, nếu đi theo đoàn và cần thuyết minh viên, bạn có thể nhờ họ, hoặc tự đi cũng được. Nhưng nếu có nhờ, bạn nhớ tip cho họ một chút nhé (cỡ 100k – 200k tùy vào đoàn lớn hay nhỏ)
Vào nhà tù Phú Quốc bạn sẽ được tham quan cái gì?
Sau khi gửi xe xong, bạn bắt đầu một tour tham quan đi bộ tầm 20 phút. Thông thường, do điểm này là điểm gần cuối của lịch trình (mặc định là đi buổi sáng nha bạn), nên thời gian bạn đến đây đã tầm trưa.
Chắc tầm giờ trưa trưa rồi, nên thời tiết thường sẽ nắng và nóng gây gắt nha. (Có ly trà sữa trân châu đường đen với cây dù nữa là cuộc đời bạn đã được cứu rỗi rồi, haha).
Nói chứ, vì thời tiết quá cao cũng một phần giúp bạn khi đi tham quan, nhìn những tượng sáp mô phỏng hành động tra tấn người tù ngày xưa, bạn lúc này mới đồng cảm và thắm được nỗi đau, nỗi khổ cực của họ.
Này nhé, bạn chỉ là đi tham quan thôi đó, mà thời tiết nó ôi bức như vầy rồi, còn người tù đang nằm dưới đất trong cái lồng kẽm gai dưới cái nắng chang chang thì sao?
Kiến trúc khi tham quan nhà tù Phú Quốc
Vừa gửi xe xong bạn sẽ đi ngang qua nhà tưởng niệm các chiến sĩ nhà tù, tại đây nếu may mắn sẽ có một bạn hướng dẫn viên thuyết trình về nơi này. (HDV ưu tiên khi có nhóm khách lớn nha, chứ 1 or 2 người thì họ không đủ người để thuyết minh đâu)
Tiếp đến sẽ đi qua một đoạn đường ngắn trước khi vào khu doanh trại, ở đây bạn “lia”mắt một xíu là sẽ thấy y như xi-nê ấy, tầng tầng lớp lớp canh phòng cẩn mật để tránh tù nhân vượt ngục: nào là dây kẽm gai bao quanh 2 lớp bảo mật, nào là tháp canh có người đứng gác, phía dưới có lính đi tuần cùng với chó nghiệp vụ.
Nghe nói, hồi trước , cứ 2 tiếng sẽ có một lần thay ca, liên tục suốt ngày đêm.
Đi theo con đường nhựa cho du khách tham quan vào, bạn sẽ đi qua 2 lớp cửa kẽm gai, phía trên có 2 chồi vọng gác.
Nhà tù Phú quốc – địa ngục trần gian bắt đầu từ đây
Nhà tù chuồng cộp:
Đi lên một chút sẽ thấy các hình thức tra tấn: Chuồng cọp kẽm gai (hồi nãy mình có nói với bạn, dưới cái nắng chang chang ở vùng biển Phú Quốc, bạn nóng một, người tù lúc đó bị nhốt trong chuồng kẽm này, phơi nắng nguyên ngày. Nghe mà tức cái lồng ngực á trời..
Chuồng cọp nhà tù Phú Quốc Catso (phòng kỷ luật)
Cái này giống như một cái container loại nhỏ, họ nhốt nhiều tù binh vào cùng một chổ, khóa cửa lại, không ánh sáng, không thức ăn, đại tiểu tiện tại chổ, buổi tối lạnh lẽo, buổi sáng nóng như thiêu đốt người lính, mùi cơ thể người và mùi xú uế ngày này qua ngay khác.
Người tù bị giam lâu ngày sẽ bị mất nước, sốc nhiệt, khi được thả ra khỏi lồng giam là đôi mắt sẽ bị “chá chá” luôn, mờ đi. Đây là cách để bào tinh thần, thể lực, niềm tin của người lính.
Khu nhà giam
Khu nhà giam được chia thành các phân khu nhỏ A,B,C,D, có đánh dấu để dễ phân biệt. nhà giam ở đây được xây dựng bằng các tấm tôn, xây cao để hở phía dưới, mỗi gian nhà sẽ có 2 đường ra vào, cửa để mở. Người tù sẽ ở trong đó.
Từng gian nhà khắc họa những hình thức tra tấn dã man được sử dụng cho người tù khi xưa mà bạn không thể tượng tượng được, tại sao người ta lại có thể sáng tạo ra những loại tra tấn con người một cách tinh vi và tàn độc đến thế.
Không chỉ tra tấn về mặt thể xác, mà còn rút cạn đi hết sinh lực, ý chí chiến đấu của người lính cụ Hồ. Bởi mới thấy được, lòng quyết tâm và lòng yêu nước mãnh liệt của người tù Cách Mạng.
Một vài hình ảnh người lính ở nhà tù Phú Quốc:
Khu đường hầm trốn thoát – vượt ngục nhà tù Phú Quốc
Đoạn tiếp theo, sẽ là một đường hầm được phục dựng lại câu chuyện đào thoát của 21 người chiến sĩ năm xưa.
Người ta phục dựng gần giống như thật cách người tù bò, đào hang luôn nha bạn.
Đường thoát dài 80m được đào trong vòng hơn 5 tháng trời bằng những vật dụng mà bạn cũng chẳng bao giờ dám nghĩ tới là có thể đào được: muỗng ăn cơm, miếng tôn bị cắt, nhánh cây,….
Mà bạn biết không, khu này gần núi, đất cứng lắm, nên muốn đào, thì phải có nước, nước đâu ra? Họ phải tiểu vào đất cho mềm ra rồi mới đào được.
Họ thay phiên nhau đào từng chút từng chút một, ngày qua ngày. Và cuối cùng thì họ cũng thoát ra ngoài được. Quan trọng hơn nữa là, Phú Quốc lúc đó rừng thiên nước độc, biển thì bốn bề, trốn sao được giờ. Cuối cùng chỉ còn 3 chiến sĩ sống sót về được tới đất liền.
Đường ra khỏi nhà tù Phú Quốc
Sau khi ra khỏi hầm thì cũng kết thúc chuyến tham quan rồi, đường lát xi-măng sẽ dẫn bạn ra tới chổ gửi xe, có nóng có mệt thì ghé quán nước giải khát và mua một vài món quà lưu niệm tại đây, để đánh dấu đã đến rồi.
Ủa mà quên, nhớ chụp hình nha, không là chịu nắng, chịu nóng suốt cuối cùng không có bức ảnh nào là buồn lắm à.
Ý nghĩa của nhà tù Phú Quốc
Theo mình thấy thì, chiến tranh là một trong những hình thái của con người để giành lấy một lý tưởng mà họ cho là đúng bằng phương pháp bạo lực nhất, tàn nhẫn nhất vì họ đã thất bại trong việc thuyết phục phe đối lập bằng cách ôn hòa. Nó gây chia rẽ và tổn thất sâu sắc cho cả một thế hệ.
Nhà tù Phú Quốc là nơi giam cầm các chiến sĩ Cách Mạng, làm giảm đi nhuệ khí của họ bằn phương pháp tàn độc nhất, nhằm lấy những thông tin tình báo thời bấy giờ để phục vụ cho chiến tranh.
Chúng ta đến nhà tù Phú Quốc, ngoài tham quan du lịch, thì cũng biết và hiểu, cảm ơn những người đã hi sinh vì độc lập dân tộc. Để từ đó, lòng yêu nước, yêu dân tộc của chúng ta được hình thành.
Hình ảnh nhà tù phú quốc được tìm trên internet và được tổng hợp lại
Chúc bạn có một chuyến đi bổ ích và nhiều trãi nghiệm nhé. Nhớ kết nối với mình để có thêm nhiều thông tin hay và bổ ích khác về Phú Quốc nữa nhé. Hình ảnh mình tìm được trên mạng, nên nếu có vấn đề về bản quyền vui lòng liên lạc với mình để gỡ xuống theo email: lienhe@vivuphuquoc.com
Cám ơn bạn đã đọc hết.
Người viết: ThaiVu